KỂ CHUYỆN GIỎI

DÀNH CHO NGƯỜI KHỞI NGHIỆP: CÂU CHUYỆN DOANH NGHIỆP CỦA BẠN LÀ GÌ?

“Ngày nay, nếu bạn muốn là một nhà kinh doanh thành công, bạn phải là một người kể chuyện giỏi,” tỷ phú Richard Branson từng nói.

Thực tế, mọi người thích nghe kể chuyện. Theo nghiên cứu của giáo sư Brunner, con người ghi nhớ câu chuyện gấp 22 lần so với tin tức hoặc bài phân tích, gấp 10 lần tên thương hiệu, và gấp 5 lần logo.

Đưa ra một câu chuyện hay chính là chiến lược tiếp thị tuyệt vời, nó tạo ra sự khác biệt cực lớn giữa doanh nghiệp của bạn với các doanh nghiệp khác. Đặc biệt đối công ty khởi nghiệp, biết cách kể chuyện là một phần quan trọng của việc kinh doanh và bước đầu xây dựng thương hiệu.

1. HÃY KỂ CHUYỆN THẬT
Sức mạnh của câu chuyện là rất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có một câu chuyện đủ độc đáo, thu hút và lan tỏa. Cũng đừng vì đó cố gắng thổi phồng những câu chuyện thành công “màu mè” hay nỗ lực “cháy bỏng”, khách hàng thông minh lắm, họ sẽ nhận ra ngay và không hề thích chuyện đó chút nào. Thay vì vậy, hãy kể chuyện dựa trên sự thật.

Sự minh bạch sẽ thể hiện khía cạnh nhân văn của thương hiệu. Kể lại thách thức, thất bại, trăn trở, quá trình vấp ngã và đứng lên có thể tạo sự kết nối cảm xúc sâu sắc. Tinh thần sáng tạo, tư duy đổi mới, sự bền bỉ, lòng yêu nước, sự quan tâm đến xã hội và môi trường, giá trị lâu dài mà doanh nghiệp mang lại, đều là những điểm đáng ngưỡng mộ mà người tiêu dùng có thể cảm nhận thông qua câu chuyện của doanh nghiệp.

2. XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN
Một câu chuyện hay cần có tính tương tác cao, tình tiết hấp dẫn, và quan trọng nhất là có cốt truyện rõ ràng, “bắt” được sự chú ý của người theo dõi.
Để có được một câu chuyện về thương hiệu, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Ai đang kể chuyện?
- Lý do ra đời của câu chuyện?
- Chuyện xảy ra khi nào và ở đâu?
- Ai là nhân vật trong chuyện?
- Những nhân vật cố gắng đạt được điều gì?
- Những thách thức mà họ phải đối mặt?

Những gạch đầu dòng này sẽ giúp bạn phát triển một câu chuyện lôi cuốn và có ý nghĩa. Hãy xây dựng một bối cảnh để người tiêu dùng biết chính xác bạn đang nói gì, và quan trọng nhất là vì sao bạn đang kể cho họ nghe câu chuyện này. Nhờ thế, bạn có thể dẫn dắt họ đi suốt câu chuyện cho đến kết thúc.

3. THÔNG ĐIỆP RÕ RÀNG
Một câu chuyện sẽ vô dụng nếu không đưa được thông điệp của thương hiệu tới khách hàng. Thông điệp bạn muốn truyền tải là gì? Bạn muốn tôn lên tình cảm gia đình, nỗ lực vươn tới thành công, sức khoẻ cho mọi người, sự bình đẳng, hay một cái gì hay ho hơn? Khách hàng sẽ rút được bài học gì từ câu chuyện đó? Chi tiết thôi thúc người đọc muốn kết nối với thương hiệu là gì?

Nếu bạn theo dõi chương trình truyền hình thực tế Shark tank - Thương vụ bạc tỷ, hẳn bạn nhận ra hầu hết những người khởi nghiệp muốn gọi vốn đều có câu chuyện của riêng mình. Ngoài ý tưởng, sản phẩm, kế hoạch, sự khả thi, câu chuyện của họ là một phần gây ấn tượng không nhỏ cho dàn “cá mập” cũng như người xem. Và, gần như tất cả có người gọi được vốn đều có một câu chuyện có thông điệp hết sức rõ ràng.

4. ĐỂ KHÁCH HÀNG THAM GIA VÀO CÂU CHUYỆN
Người ta thích nghe chuyện, và hơn thế nữa, họ càng thích được trở thành một phần của câu chuyện. Ít có phương thức marketing nào tốt hơn là để chính khách hàng trở thành đại diện của thương hiệu.

Theo chuyên gia tư vấn tiếp thị Ekaterina Walter, “Có lẽ chiến dịch khuyến khích khách hàng tự kể chuyện hiệu quả nhất là của Nike. Mỗi năm, họ đều xây dựng những chiến dịch gọi là Sự thay đổi (The Change). Với thông điệp “Nếu bạn có một cơ thể, bạn là một vận động viên” (If you have a body, you are an athlete), Nike cho trẻ em trên toàn thế giới cơ hội trở thành vận động viên bóng đá chuyên nghiệp khi gia nhập học viện của họ”.

Chiến dịch này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2010 thông qua trang Nikefootball.com, Facebook, Twitter và YouTube. Chỉ sau 6 tháng đầu tiên, những người tham gia đã tạo ra hơn 17.000 trang Facebook, hơn 2.000 video, 28.000 bài viết để chia sẻ câu chuyện vươn tới ước mơ của họ. Nike đã nhanh chóng thu hút tới 5,5 triệu người theo dõi trên mạng xã hội và hơn 3,4 triệu lượt xem trên YouTube.

Kể chuyện về thương hiệu là một quá trình liên tục và xây đắp lâu dài. Mỗi ngày, bạn đều đang phát triển, bổ sung vào câu chuyện đó. Hãy làm cho việc kể chuyện trở thành một phần tất yếu trong vận hành kinh doanh để thu hút và giữ chân khách hàng.

-- Sưu tầm --

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KINH NGHIỆM MỞ NHÀ HÀNG: HƯỚNG DẪN CÁCH MỞ NHÀ HÀNG CHI PHÍ THẤP, HIỆU QUẢ

SƠ ĐỒ NỤ CƯỜI KHÁCH HÀNG - THE SMILING CURVE

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?