HÃY GIÁC NGỘ ĐIỀU NÀY
HÃY GIÁC NGỘ ĐIỀU NÀY.
Hãy tưởng tượng ta có 2 chiếc xe: một chiếc xe mình có thể điều khiển được, còn 1 chiếc xe thì ta không thể điều khiển hoàn toàn theo ý mình được.
Hay nói cách khác một chiếc xe do ta điều khiển, còn 1 chiếc do cuộc đời điều khiển.
Một chiếc mình có thể kiểm soát được, còn chiếc kia thì lúc theo ý mình, lúc không theo ý mình nhưng PHẦN LỚN là không theo ý mình.
Ta nên chọn chiếc xe nào? Nhiều người thích chơi trò mạo hiểm thích nhảy lên chiếc xe cuộc đời điều khiển để rồi đau khổ, tức giận, sợ hãi mỗi khi đời không theo ý mình.
Đồng nghĩa với việc ta đặt sự bình an, hạnh phúc của ta ra bên ngoài, vào các hoàn cảnh, con người bên ngoài. Nghĩa là khi nào hoàn cảnh bên ngoài, con người bên ngoài như ý ta thì ta sẽ có bình an, hạnh phúc. Còn khi ngược với ý ta thì ta đau khổ, bất hạnh.
Khi như ý ta thì ta vui, ta cười hớn hở. Còn khi không như ý ta thì ta buồn, than vãn, oán trách. Phải chăng ta chỉ là con nghiện cảm xúc?
Mong muốn SAI LẦM nhất của con người là luôn mong mọi việc theo ý ta. Ta có đủ quyền năng, phép thuật để làm điều đó ư?
Ta nên đi tìm một hành tinh khác để thoả mãn mong muốn đó thì hơn?
Sự thật ta chỉ có thể điều khiển, kiểm soát chính ta mà thôi. Ta có thể điều khiển được gió, mưa, bão bùng, dịch bệnh?
Ta có thể kiểm soát được tâm trạng, cảm xúc, hành động, ý nghĩ của người khác?
Tại sao ta không TỰ điều khiển chiếc xe của mình? Đức Phật đã dạy rằng hãy nương tựa vào chính mình, hãy là hòn đảo của chính mình, đừng nương tựa vào kẻ khác hay hoàn cảnh bên ngoài.
VẠN PHÁP DUY TÂM TẠO. Mọi thứ đều do tâm mà ra. Đau khổ hay hạnh phúc cũng từ tâm mà ra không phải do cảnh.
Chẳng hạn cùng dịch bệnh như nhau: có người thì bình tĩnh làm theo các chỉ dẫn của các bác sĩ để phòng bệnh, có người thì sợ hãi, lo lắng, bất an đi tìm thuốc này, thuốc kia để rồi bị ngộ độc.
"Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình."
(Sách: Hiểu Về Trái Tim)
Thay vì SAI LẦMmong muốn mọi thứ theo ý ta, ta hãy thích nghi theo hoàn cảnh và tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát, có phải ta sẽ có bình an hơn không?
"Chỉ kiểm soát những thứ ta có thể kiểm soát
Và thả trôi các thứ còn lại."
Thay vì ĐẶT BÌNH AN, HẠNH PHÚC của ta vào kẻ khác, vào hoàn cảnh bên ngoài để ta phụ thuộc, dựa dẫm vào đó.
Ta có thể tự tạo cho mình sự bình an, hạnh phúc từ bên trong. Vì bình an, hạnh phúc chỉ là 1 trạng thái tinh thần. Và ta có thể sản sinh ra trạng thái tinh thần này bằng cách làm cho tâm ta tĩnh lặng, trong sạch.
Hạnh phúc, bình an đến từ bên trong mới là thứ bền vững còn ta cứ trông chờ, ngóng trông, mong đợi vào kẻ khác, vào hoàn cảnh ta chẳng khác nào một con nghiện cảm xúc?
Hãy tách biệt TIỀN ra ngoài các thứ khác để ta không đồng nhất mọi thứ vào tiền, để ta không xem tiền là tất cả.
Nếu ta xem tiền là tất cả thì việc một đứa con đuổi cha mẹ ra đường vì tiền là chuyện hợp lý. Tiền hơn đạo đức?
Suốt ngày ta chỉ nhắc đến tiền, ám ảnh về nó chứ ta có bồi dưỡng, nuôi dưỡng giá trị đạo đức bên trong đâu? Nên khi gặp chuyện ta thường chọn tiền chứ không phải đạo đức vì tiền nó chiếm gần trọn tâm thức của ta rồi.
Ngoài tiền ra còn gì nữa?
+ Thân: sức khoẻ.
+ Tâm: tâm hồn.
+ Tuệ: hiểu biết, trí tuệ.
Nhìn vào những thứ trên ta thấy nó không tách rời tiền. Có sức khoẻ ta mới có thể làm việc để có tiền được? Tâm ta an ổn thì ta mới tập trung làm việc được? Ta có hiểu biết, trí tuệ ta mới kiếm tiền được thay vì làm mất tiền nếu ta thiếu hiểu biết?
CÀNG YÊU TIỀN NHIỀU BAO NHIÊU TA CÀNG PHẢI NÂNG CAO SỰ HIỂU BIẾT, CÀNG PHẢI CHĂM SÓC TỐT CHO THÂN, TÂM BẤY NHIÊU.
Đau ốm, bệnh tật chủ yếu đến từ sự thiếu hiểu biết, sự thiếu quan tâm, chăm sóc đến thân thể , tâm hồn?
Có phải những bệnh liên quan đến thần kinh, tim mạch, tâm thần đều do những lo lắng, tức giận, căng thẳng, bất an, bất mãn gây ra?
Ta thích ở nhà hay ở bệnh viện hơn? Ta có muốn nướng tiền của vào những vấn đề sức khoẻ do chính mình gây ra?
Thứ gì cũng có thức ăn riêng của nó. Ta muốn nuôi dưỡng nó, phát triển nó, hàm dưỡng nó thì ta phải cho nó ăn những thức ăn bổ dưỡng, chất lượng.
Ta muốn tâm ta bình an, hạnh phúc thì ta hãy nạp bình an, hạnh phúc vào trước qua các bài pháp thoại hay các quyến sách tinh hoa.
Ta hãy thanh lọc hoá nội tâm, nhận diện, kiểm soát các phiền não, rác rến trong tâm ta trước khi yêu thương kẻ khác. Bằng không người đó sẽ lãnh đủ những năng lượng tiêu cực từ ta.
Nghĩa là ta hãy yêu thương chính ta trước, tự tạo sự bình an, hạnh phúc cho ta. Và khi ta đến với người đó là để yêu thương, nâng đỡ họ chứ không phải để đòi hỏi, dựa dẫm, lệ thuộc vào họ.
Ta thương họ là vì họ chứ không phải vì ta.
LÀM CHA MẸ LÀ CÔNG VIỆC RẤT NGUY HIỂM.
+ Nếu cha mẹ có tầm nhận thức, hiểu biết ở mức thấp nhiều khả năng sẽ cản trở rất lớn đến sự phát triển, trưởng thành của đứa con.
+ Nếu cha mẹ đặt bình an, hạnh phúc vào đứa con nhiều khả năng họ sẽ không xem chúng là con người. Mà xem chúng là con rô bốt để họ điều khiển. Con phải làm như thế này, thế kia để cha mẹ yên tâm nè. Tước mất quyền tự do của nó.
+ Cha mẹ sẽ gánh thêm nhiều phiền não, bất an nếu cho rằng cha mẹ có thể lo cho con. Thực ra cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ cho con một phần nào đó mà thôi. Cha mẹ không thể sống đời để lo cho con? Cha mẹ có thể chịu được những tổn thương về thể xác và tâm hồn cho con được không?
Hãy giúp đứa con trưởng thành, phát triển để nó tự lo được cho chính nó.
Ta có thể tự tạo cho mình sự bình an, hạnh phúc từ bên trong. Vì bình an, hạnh phúc chỉ là 1 trạng thái tinh thần. Và ta có thể sản sinh ra trạng thái tinh thần này bằng cách làm cho tâm ta tĩnh lặng, trong sạch.
Người nào càng biểu hiện tiêu cực ra bên ngoài nhiều bao nhiêu thì bên trong càng có nhiều vấn đề, nỗi đau, bất hạnh bấy nhiêu.
TIÊU CỰC ở người khác là vấn đề bên trong của họ. Khi ta phản ứng tiêu cực với điều đó thì ta mới có vấn đề, ta mới có rắc rối trong nội tâm.
Những thứ bên ngoài chỉ là tác nhân để những thứ bên trong biểu hiện ra.
Nguyên nhân ta hay phản ứng chống trả, loại trừ đối tượng, hoàn cảnh bên ngoài là vì ta cho rằng chính những thứ đó đã gây ra đau khổ, bất hạnh cho ta.
Tâm ta như thế nào thì ta sẽ phản ứng như thế đó. Nếu tâm ta rộng lớn như dòng sông thì nắm muối chả là gì cả. Nhưng nếu tâm ta chỉ rộng bằng cái cốc thì công nhận mặn thật đấy.
"Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông"
(Sách: Hiểu Về Trải Tim)
Phiền não của ta đến từ đâu?
+ Những việc ta làm: thân nghiệp.
+ Những lời ta nói: khẩu nghiệp.
+ Những ý nghĩ của ta: ý nghiệp.
Phải ý thức rằng bất cứ thứ ta làm, nói, nghĩ NGƯỜI ĐẦU TIÊN CHỊU ẢNH HƯỞNG nặng nề nhất là chính ta. Tương tự như ta cầm bông hoa hay đống phân vậy. Ta là người hưởng mùi thơm đó đầu tiên.
Khi ta trù ẻo người ta thì trông tâm ta đã tiếp nhận hạt giống bất thiện rồi. Khi đủ điều kiện nó sẽ trổ ra quả xấu mà ta phải gánh chịu. Khi ta mong muốn ai cũng "bình an, hạnh phúc, giàu có" thì trong tâm ta sẽ hướng về các hạt giống lành này. Mình tin chắc ai cũng có những mong muốn này.
CUỘC ĐỜI LÀ HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM: được, mất, hợp, tan, thành, bại, như ý, bất như ý, khó chịu, dễ chịu. Nên ta có gặp những điều bất như ý, những điều khó chịu là chuyện HẾT SỨC bình thường.
Mong muốn SAI LẦM nhất của con người là luôn mong mọi việc theo ý mình. Ta có đủ quyền năng, phép thuật để làm điều đó ư?
Cảm ơn bạn đã đọc. Hãy góp ý, cảm nhận bên dưới bạn nhé.
____
Sưu tầm