4 BÀI TẬP TỪ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ GIÚP BẠN RÈN LUYỆN BẢN THÂN VÀ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN

4 BÀI TẬP TỪ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ GIÚP BẠN RÈN LUYỆN BẢN THÂN VÀ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN


👉 Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?


Chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên. Sứ mệnh của Chủ nghĩa Khắc kỷ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn, bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống.


Quan điểm của Chủ nghĩa Khắc kỷ cho rằng, sở dĩ ta đau khổ là vì ta đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề. “Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.


Chủ nghĩa Khắc kỷ khái quát cuộc sống thành 3 phần:

Những gì ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân);

Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác);

Những gì ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác)


Theo Chủ nghĩa Khắc kỷ, bạn hãy tập trung vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2 và lên kế hoạch cho nhóm 3. Một triết lý quan trọng của Chủ nghĩa Khắc kỷ là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với mình. Bởi vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó.


👉 4 bài tập từ Chủ nghĩa Khắc kỷ giúp bạn rèn luyện bản thân và sống hạnh phúc hơn


#1 Trong trường hợp này người đó sẽ làm gì?


“Hãy chọn một người mà bạn cho cách sống cũng như lời nói của họ là đúng đắn. Xem người đó là một hình mẫu của bạn. Cần có một ai đó như một tiêu chuẩn để mỗi người trong chúng ta có thể tự đánh giá bản thân. Cũng giống như không có thước thì không thể có những đường kẻ thẳng tắp" - Seneca (triết gia, chính khách nổi tiếng Hy lạp theo Chủ nghĩa Khắc kỷ)


Bởi vì nhà hiền triết Khắc kỷ không gần gũi với cuộc sống hiện đại nên chúng ta hãy sử dụng một hình mẫu được biết đến nhiều hay gần gũi với bạn. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn bất kỳ hình mẫu nào mà bạn thích. 


Bài tập rèn luyện chủ nghĩa Khắc kỷ này như sau: Khi đối mặt với một tình huống khó khăn trong cuộc sống mà bạn không biết mình nên làm gì, hãy nghĩ đến hình mẫu của bạn và tự hỏi bản thân: “Người đó sẽ làm gì?”. Tùy trường hợp, bạn có thể hỏi "Người cha (mẹ) hoàn hảo sẽ làm gì?", "Người bạn lý tưởng sẽ làm gì?" hay "Người sếp tốt nhất sẽ làm gì?". Việc đặt câu hỏi như vậy giúp bạn xác định được điều đúng đắn cần thực hiện để giải quyết vấn đề của mình.


#2 Hình dung tiêu cực: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chết?


Đây là câu nói của Marcus Aurelius (vị Hoàng đế nổi tiếng của La Mã): “Hãy nghĩ về bản thân như một người đã chết. Bạn phải sống cuộc sống của mình. Bây giờ hãy lấy nốt những gì còn sót lại và sống một cách thích đáng.” 


Điều này có thể được hiểu là việc tưởng tượng tiêu cực về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra - cái chết sẽ giúp bạn quên đi quá khứ và chỉ sống với hiện tại ở đây, ngay lúc này. Đừng lo lắng về quá khứ, hãy tận dụng tốt nhất ngày hôm nay. Hôm nay là tất cả những gì bạn có. Hãy trân trọng và tận dụng nó tối đa. 


Hình dung tiêu cực là một bài tập Khắc kỷ nổi tiếng. Người thực hành sẽ hình dung những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai. Như vậy họ có thể giữ được bình tĩnh và phản ứng theo cách tốt nhất có thể.


Những điều khiến chúng ta ngạc nhiên sẽ gây tổn hại gấp đôi. Nếu bạn biết trước mình bị tát vào mặt, bạn vẫn sẽ thấy đau nhưng lại có thể chịu đựng được tốt hơn. Bởi khi đó, sự bất ngờ được giảm xuống và giúp bạn giữ bình tĩnh hơn nhiều. Đây cũng là lý do tại sao rất nhiều người đi coi bói với mong muốn thấy trước tương lai. 


Bạn nên giữ một tâm thế thoải mái khi suy nghĩ về tương lai. Hãy tự hỏi bản thân và tưởng tượng liệu đâu là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. 


Hãy nghĩ về những người thân yêu của bạn: Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đột ngột biến mất? Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ phản ứng như thế nào?


Hãy tưởng tượng rằng mình sẽ chết ngay bây giờ: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Bạn có cảm giác gì nếu tưởng tượng ra viễn cảnh tồi tệ cuối cùng này?


#3 Cảm giác khó chịu tự nguyện


Sự khó chịu tự nguyện sinh ra trong những tình huống không thoải mái. Chúng giúp bạn rèn luyện tinh thần chịu đựng cũng như sẵn sàng đón nhận những khó khăn có thể xảy đến.


Đây là khả năng cần được rèn giũa để bạn có đủ can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Giả sử bạn không thể nhịn ăn quá 12 tiếng liên tục, hãy thực hành nhịn ăn 24 giờ liên tục mỗi tháng một lần. Sau vài tháng, bạn sẽ cảm thấy bình thường khi nhịn ăn 12 tiếng liên tục. Ngoài ra một vài gợi ý khác mà bạn có thể tham khảo như:


Ngủ một đêm trên sàn.

Một tuần không uống cà phê

24 tiếng liên tục không sử dụng smartphone…


#4 Luôn dự phòng nhiều khả năng xảy ra của mọi việc 


Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ biết rất rõ rằng không phải tất cả mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Vì vậy, họ luôn dự phòng các khả năng trước mỗi  hành động của mình. Thói quen này cũng là một lời nhắc nhở tuyệt vời về sự vô thường của vạn vật.


Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Đây là lý do tại sao những người Hồi giáo ở Ai Cập thường thêm "Inshallah" vào cuối câu nói. Nó có nghĩa là "nếu Allah muốn/Chúa muốn." Không chỉ là một lời nói, nó còn đồng thời thể hiện 2 điều rất quan trọng:


(1) Sự nỗ lực và cố gắng hết sức để thành công 

(2) Nhận thức và chấp nhận rằng kết quả cuối cùng của mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chúng ta.


Để thực hành bài tập này, trước khi bạn bắt đầu làm điều gì đó bạn hãy thêm một mệnh đề dự phòng chẳng hạn như “nếu không có gì ngăn cản tôi”. Ví dụ như:“Tôi sẽ hoàn thành bài viết đó hôm nay, nếu không có gì ngăn cản tôi.”


Nguồn: sưu tầm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

KINH NGHIỆM MỞ NHÀ HÀNG: HƯỚNG DẪN CÁCH MỞ NHÀ HÀNG CHI PHÍ THẤP, HIỆU QUẢ

SƠ ĐỒ NỤ CƯỜI KHÁCH HÀNG - THE SMILING CURVE

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?